Di sản văn hoá lịch sử hay đương đại là tài sản cao quý của dân tộc cần phải bảo tồn, tôn tạo

Nguyễn Khang

Diễn đàn Đời sống và Phát triển trân trọng giới thiệu đến cộng đồng bài viết "Di sản văn hoá lịch sử hay đương đại là tài sản cao quý của dân tộc cần phải bảo tồn, tôn tạo" của Đại Đức Sakya Minh Không, Thế danh: Vũ Mạnh Quân.

Trong không khí đại hân hoan khôn xiết tả của toàn thể dân tộc, hơn 90 triệu dân đồng bào cả nước Việt Nam ta ở trong nước và ở nước ngoài đang nô nức chào đón xuân Canh Tý 2020, ở vào bối cảnh cả nước đang hướng tới kỷ niệm tròn 90 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020), một sự kiện trọng đại của Đất nước.

Cùng với nhiệm vụ đối ngoại chính trị Hợp tác quốc tế khi Việt Nam trở thành chủ tịch luân phiên ASEAN nhiệm kỳ 2020 - 2021 với dự kiến khoảng 300 Hội nghị quốc tế sẽ được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2020. Đồng thời Việt Nam vinh dự được tín nhiệm bình chọn làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Một vinh dự, nhưng đồng thời cũng là một trọng trách rất lớn lao mà Nhà nước phải gánh vác.

Đình, Chùa, Lăng, Miếu - Di sản văn hóa vật thể của người Việt

Luận bàn về Di sản Văn hoá của dân tộc, chúng ta có những công trình có ý nghĩa, với giá trị lên đến hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm lịch sử. Trong số đó, có những giá trị vẫn còn nguyên vẹn. Song, có những giá trị chỉ còn lại dấu tích hoặc chỉ còn là vết tích. Có lẽ, chúng ta ai cũng đều hiểu, di sản văn hóa Việt Nam là sự kết tinh từ đời sống tinh thần phong phú và sức sáng tạo vô tận của các thế hệ người Việt Nam, là tài sản vô giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận cấu thành nên di sản văn hóa của nhân loại. Di sản văn hoá Việt Nam cũng như di sản văn hoá của các quốc gia trên thế giới, không chỉ góp phần tạo nên một nền văn hoá đặc thù của quốc gia đó, mà còn góp phần đem lại những giá trị phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội, giáo dục nhân văn và văn minh nhân loại.

Có thể thấy, di sản văn hóa là kết tinh trong lao động sáng tạo mà ông cha ta đã dày công gây dựng, trải qua bao nhiêu thiên niên kỷ, thế hệ từ ngàn xưa cho đến ngày nay đã không ngừng hun đúc. Vì những lý do ấy, hơn bao giờ hết, chúng ta cần nhất quán tinh thần qua câu nói: “Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tạo được, nhưng di sản thì không thể tạo ra được”. Vì vậy thiết nghĩ, con người “tuyệt đối không được phá hủy, tàn hoại hay xúi giục người làm hư hỏng hoặc hi sinh di sản vì bất kỳ lý do gì để phục vụ phát triển không chính đáng. Tổn hại hay mất đi di sản, dù là một phần đi chăng nữa, cũng chính là bắn súng vào quá khứ, đánh mất bản sắc dân tộc, lịch sử dấu ấn dân tộc”.

Có thể nói, chúng ta tự hào vì đã được thừa hưởng những giá trị di sản của cha ông tổ tiên quốc gia của chúng ta để lại. Việc tu bổ, tôn tạo, nâng cấp nhiều di sản theo kiểu “hiện đại hóa”, “hào nhoáng” đã làm mất đi không ít nét chân thực, tính độc đáo vốn có của chính di sản đó. Hơn nữa, các chính sách hỗ trợ nghệ nhân triển khai còn chậm, chưa đồng bộ, không động viên kịp thời, kịp lúc.

Nguồn lực tài chính dành cho công tác tu bổ, bảo trì còn rất hạn chế, trong khi chưa phát huy được những giá trị tốt nhất từ nơi trong dân, cũng như vai trò của toàn dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản còn mờ nhạt. Toàn bộ các công trình Chùa chiền, lâu các, đình đền... là nơi nương tựa tinh thần của đại bộ phận dân tộc từ ngàn xưa cho đến ngày nay, có những di sản được vua chúa các triều đại sắc phong, ngự lãm.

Chúng ta cũng thấy đó, chúng ta đã bỏ quên quá nhiều di sản là di tích lịch sử, là những dấu ấn xa xưa, có chỗ chúng ta lại tập trung quá mức, có chỗ chúng ta lại trở nên bỏ bê và thậm chí quên lãng. Để rồi, những phế tích ấy, ngày một mất dấu tích bởi thời gian, bởi sự tàn hoại của thiên nhiên và sự vô tâm vô cảm của con người. Thiết nghĩ, chúng ta cần phải rà soát lại, kiểm tra lại, khoanh vùng lại và nếu chưa có thể, hãy tạm thời giao cho bà con sở tại, chính quyền sở tại, cắt cử, trông nom, gìn giữ để phế tích không trở thành mất tích.

Nếu cho phép, tôi xin được mở rộng phạm vi của di sản dân tộc. Thực tế cho thấy, chúng ta đã mất đi quá nhiều di sản. Trong đó, có sự phá huỷ của các nguyên nhân khách quan, như tác động của môi trường, của thiên nhiên, tác động không mong muốn của chiến tranh tàn phá xâm lược, thậm chí do quan niệm nhất thời hồ đồ của con người trong một thời kỳ lịch sử nhất định. Để rồi, khiến cho các di tích, các hiện vật của đất nước bị mất đi, bị phá hủy đi, do nhận thức chủ quan của một bộ phận dân tộc và những biến cố lịch sử, số còn lại dần bị hư hỏng, xuống cấp, ít được quan tâm chú ý.

Lại nữa, gần đây có một số ý kiến nổi lên cho rằng, cần phải kiểm soát nguồn tài chính của các cơ sở thờ tự như Chùa chiền Phật tự... Đứng ở cương vị của một công dân, tôi cho rằng việc này là không nên. Vì sao, vì Quốc gia của chúng ta trải qua bao cuộc binh lửa xâm lăng, trong thời khắc lịch sử ấy, có thể nói, Phật giáo rất có công lớn với nước nhà, có không ít các vị quốc sư Tăng sĩ Phật giáo, đã tham chính cho triều đình đập tan những âm mưu của đế chế xâm lược dưới các triều đại minh quân quốc vương mộ Đạo, kính Phật, tu Phật, hộ quốc an dân. Để rồi, cứu vớt muôn vạn sinh linh khỏi chìm trong biển chết.

Ngày nay, đất nước chúng ta đang ở vào một hoàn cảnh lịch sử mới, một xã hội mới, nhưng nền tảng và dấu xưa cũng vẫn còn đó, những đóng góp chứa chan của tiền nhân vẫn còn đây, không cho phép chúng ta được xuất hiện những giây phút lãng quên.

Bây giờ và ở đây, nơi quốc gia này, có hàng trăm ngàn ngôi Chùa và có hàng chục ngàn, thậm chí cả trăm ngàn vị đệ tử xuất gia tu Phật là tu sĩ Phật giáo. Trong số ấy, vẫn còn không ít những vị Tu sĩ Phật giáo đang còn đầy ắp những khó khăn và khổ cực, vất vả, vật lộn để gây dựng, gìn giữ, phục dựng những phế tích, những công trình xuống cấp. Rồi có được cơ sở thờ tự khang trang, có không ít những vị Tu sĩ Phật giáo ấy phải đánh đổi máu và nước mắt, tuổi thanh xuân. Và Chùa chiền Phật môn cũng chính là chỗ đến đi, nương tựa, tập hợp của nhân sinh xã hội. Cũng chính ở những nơi ấy mà bao con người đã được khai ngộ, cảm hoá.

Để xã hội bớt đi những phần tử xấu và cũng để chính sách lãnh đạo của Đảng, Nhà nước được xuyên suốt, hạn chế những trở ngại, góp phần không nhỏ trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiền bạc, tài vật ở một số Đền - Chùa có được, là sự nhất tâm cầu phúc của lương dân, bách tính cúng dâng lên ngôi thiêng, nguyện ước được bình an vô sự cho bản thân, cho gia đình và góp phần ổn định cho nhân sinh xã hội.

Ai đó, nếu đang có quan điểm truy thu nguồn công đức của Đền – Chùa Phật Tự, tôi nghĩ, chúng ta cần từ bỏ sự kiểm soát này để tránh gây ra những bất ổn, nguy hại trong lòng xã hội. Và tôi nghĩ, có giao cho ai đó kiểm soát, hay tổ chức nào kiểm soát đi chăng nữa, cũng sẽ là điều không nên và không thích hợp.

Việc quan tâm bảo vệ, gìn giữ di sản văn hoá của dân tộc là trách nhiệm không của riêng ai. Chúng ta thấy đó, nhiều quốc gia trên thế giới, họ phát triển ngành công nghiệp không khói, chính là nhờ vào các di sản của cha ông họ, đất nước họ để lại. Và họ biến di sản thành những tiềm năng du lịch giá trị cho toàn thể nhân loại và chính là niềm tự hào của dân tộc họ, đất nước họ.

Còn chúng ta, rừng vàng ư? Biển bạc ư? Có còn chăng ư? E rằng, chúng ta cần phải xem lại việc bảo vệ tài nguyên rừng, khoáng sản..., cũng như hàng vạn đồi núi đang ngày một mất dần đi, với các mục đích khác nhau. Chính nó là những tác nhân gây ra một biến động vô cùng to lớn đến dòng chảy và tạo thành lũ quét, sạt lở đồi núi. Và tiếng khóc bi thương của đại ngàn, cùng với nhà cửa, nơi ở của lương dân bách tính và cả những công trình của Nhà nước cũng bị nằm trong số phận xảy ra những mất mát, hư hại có khi là rất nặng nề.

Để rồi, biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, môi trường và bức xạ thiên nhiên, thảm cảnh của sự biến mất các di sản đã và đang đến gần chúng ta. Chúng ta cũng thừa hiểu rằng, di sản văn hoá, trong đó mở rộng ra là tài nguyên thiên nhiên - tự nhiên như sông, núi, biển hồ, cũng là tài sản của quốc gia và là một bộ phận cấu thành nên di sản văn hoá của nhân loại. Nếu chúng ta không kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, giá trị di sản sẽ có nguy cơ mất mát, không lấy lại được. Lúc đó, chúng ta có muốn bảo vệ cũng chẳng được và ước muốn chiêm ngưỡng cũng chẳng xong.

Nên hơn bao giờ hết, tôi nghĩ, chúng ta cần biến tất cả mọi thứ thành hành động ngay từ bây giờ để tìm ra giải pháp tối ưu cho việc giữ gìn tài sản là di sản của cha ông chúng ta để lại. Qua đó, chúng ta sẽ phát hiện được những đóng góp hữu ích và kêu gọi trách nhiệm hết mình của người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn di sản của Quốc gia - xã hội. Cáo thị đến các thôn, xã làng mạc, nghiêm cấm các hành vi biển thủ, phá hoại, thiêu huỷ chứng tích lịch sử di sản văn hoá.

Hơn nữa, chính quyền sở tại, cũng cần phải nâng cao vai trò trách nhiệm đi đầu, trong việc giữ gìn di sản, nếu có biến động, ngay lập tức phải hồi báo đến các cơ quan cấp trên, để kịp thời bảo vệ di sản văn hoá. Đồng thời, chúng ta cũng cần phải thiết lập sơ đồ di sản từ cơ sở đến Trung ương, cân đối tài trợ ngân sách tu bổ, tránh lãng phí, gây thất thoát và tránh lạm dụng ngân quỹ. Hành vi tư túi là tội ác của dân tộc trong việc tiếp tay làm tan hoại, biến mất các di sản của đất nước.

Các cơ quan chuyên trách, cũng cần phải kịp thời, tham mưu cho các cơ quan bảo vệ pháp luật về việc chống diễn biến di sản; cần phải tang nặng, chế tài xử phạt, thẩm định hình sự, phân loại các hành vi chiếm đoạt, phá hoại, tiêu huỷ, có dấu hiệu xuyên tạc, luận điệu xấu về những di sản thuộc hệ tư tưởng có giá trị của các nhà lãnh đạo lịch sử và đương đại. Nghiêm trị đối với bất kỳ ai và không phân biệt đối tượng của quốc gia nào làm cản trở công lý. Có như vậy, mới có thể răn đe và chúng ta mới có cơ hội giữ gìn, bảo vệ hệ tư tưởng của di sản.

Nhân dịp năm mới 2020 xuân Mậu Tý, kính chúc Chư vị lãng đạo các cấp, các ngành đoàn thể và tất cả mọi công dân đang sống chung cùng một quốc gia lãnh thổ, cùng bà con kiều bào thân yêu của chúng ta đang công tác, cư trú ở nước ngoài một năm mới nhiều sức khoẻ, thân tâm tráng kiện, vạn sự như ý tốt lành, cầu nguyện quốc gia đỉnh thịnh.

Đại Đức Sakya Minh Không