cream-simple-budget-pie-chart-graph-1750693920.jpg
 

Trong thế giới khoa học hiện đại, việc trình bày nghiên cứu theo một cấu trúc rõ ràng và logic không chỉ là một yêu cầu của cộng đồng học thuật mà còn là chìa khóa để đảm bảo tính khách quan, minh bạch và khả năng tái lập của nghiên cứu. Cấu trúc 7 phần dưới đây là một trong những cấu trúc thường được sử dụng trong nghiên cứu khoa học và có ý nghĩa tham khảo cho những ai đang bắt đầu tìm hiểu về lĩnh vực này. 

Phần 1: Giới thiệu - Định hướng nghiên cứu

Phần giới thiệu đóng vai trò như "cửa ngõ" của nghiên cứu, nơi tác giả thuyết phục người đọc về tầm quan trọng của vấn đề nghiên cứu. Phần này cần trả lời các câu hỏi cơ bản: "Tại sao vấn đề này cần được nghiên cứu?", "Nghiên cứu này sẽ đóng góp gì cho kiến thức hiện có?".

Một số vấn đề cần được giải quyết trong phần Giới thiệu gồm:

- Lý do chọn đề tài/ Tính cấp thiết của đề tài 

- Mục đích và mục tiêu nghiên cứu

- Câu hỏi nghiên cứu

- Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

- Ý nghĩa lý luận và ý nghĩa thực tiễn của nghiên cứu 

- Bố cục của nghiên cứu 

Phần 2: Tổng quan nghiên cứu vấn đề - Nền tảng tri thức

Đây là phần thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của tác giả về lĩnh vực nghiên cứu. Tổng quan không chỉ đơn thuần liệt kê các nghiên cứu trước mà còn phải phân tích, so sánh và chỉ ra những khoảng trống kiến thức mà nghiên cứu hiện tại sẽ lấp đầy.

Theo tác giả Vũ Cao Đàm, phần tổng quan nghiên cứu/ lịch sử nghiên cứu sẽ trả lời câu hỏi: “Ai đã làm gì?”

- Mô tả sơ lược quá trình nghiên cứu, các thành tựu và tác giả 

- Mặt mạnh và yếu của các nghiên cứu cũ

- Kết luận về những nội dung cần giải quyết 

Phần 3: Phương pháp nghiên cứu - Đảm bảo tính khoa học

Phần này là "trái tim" của tính khoa học, nơi tác giả mô tả chi tiết cách thức thực hiện nghiên cứu. Tính minh bạch ở đây cho phép người khác có thể tái lập nghiên cứu, một yêu cầu cơ bản của khoa học.

Phương pháp có thể sử dụng như: quan sát, phỏng vấn, điều tra, thực nghiệm, khảo sát,...

Phần 4: Kết quả nghiên cứu - Trình bày khách quan

Trình bày dữ liệu một cách có hệ thống, sử dụng bảng biểu, đồ thị hoặc hình ảnh minh họa giúp kết quả rõ ràng và dễ hiểu. Đặc biệt nêu bật các kết quả quan trọng nhất và có ý nghĩa thống kê.

Lưu ý phần kết quả yêu cầu sự khách quan tuyệt đối, chỉ trình bày những gì đã tìm thấy mà không có sự giải thích hay đánh giá chủ quan. Điều này đảm bảo tính trung thực của nghiên cứu.

Phần 5: Thảo luận - Tạo ý nghĩa từ dữ liệu

Đây là nơi tác giả thể hiện khả năng tư duy phản biện và phân tích. Thảo luận không chỉ giải thích ý nghĩa của các kết quả nghiên cứu mà còn phải so sánh với các nghiên cứu trước đó, đặt chúng trong bối cảnh rộng hơn của kiến thức khoa học.

Phần 6: Kết luận và kiến nghị - Tổng kết và định hướng

Tóm tắt các kết quả chính của nghiên cứu và đưa ra các kết luận cuối cùng, nêu bật những đóng góp của nghiên cứu, từ đó đề xuất các hướng nghiên cứu tiếp theo.

Tóm lại, kết luận không chỉ chỉ ra những đóng góp cụ thể của nghiên cứu mà còn đưa ra những gợi mở thiết thực cho các nghiên cứu tương lai. 

Phần 7: Tài liệu tham khảo - Tôn trọng tri thức

Phần này thể hiện sự tôn trọng đối với các nghiên cứu trước và đảm bảo tính trung thực học thuật.

Người nghiên cứu cần liệt kê đầy đủ thông tin về tác giả, năm xuất bản, tên bài viết, tên tạp chí hoặc nhà xuất bản, số trang, v.v. Sắp xếp tài liệu tham khảo theo một định dạng nhất quán (ví dụ: APA, MLA, Chicago).

Dưới đây là một bài nghiên cứu tham khảo đã áp dụng đầy đủ 7 phần cần có của một bài nghiên cứu khoa học: 

“Đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vốn con người, phát triển tài chính và năng lượng tái tạo đến sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam”

(Tác giả: Ngô Thái Hưng, Phạm Tiến Dũng, Lại Kim Hoàng, Võ Thúy Hằng, Võ Hồng Sơn – 2024)

Tạp chí Nghiên cứu Tài chính – Marketing, số 82, trang 27–40

09a7edb3-e411-4f74-8355-683ee32bd29e-1750693306.jpeg

 

Xem đầy đủ bài nghiên cứu ở link sau:

https://sti.vista.gov.vn/publication/download/378477-8a27dc05457501ef9503d6cef36a250e.html

1. Giới thiệu (Introduction)

Tính cấp thiết của đề tài: Bài nghiên cứu mở đầu bằng việc nhấn mạnh vai trò then chốt của nông nghiệp trong phát triển kinh tế Việt Nam và đảm bảo an ninh lương thực. Đồng thời, các thách thức ngày càng lớn do biến đổi khí hậu, áp lực dân số, và nhu cầu chuyển đổi năng lượng đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp

 Mục tiêu nghiên cứu: Phân tích tác động của biến đổi khí hậu, vốn con người, phát triển tài chính và năng lượng tái tạo đến sản xuất nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 1995–2023.

Ý nghĩa lý luận và thực tiễn: Bổ sung bằng chứng định lượng đa chiều, sử dụng các kỹ thuật kinh tế lượng hiện đại.

Phần 2: Tổng quan nghiên cứu

Phần này các tác giả đã trình bày hệ thống các nghiên cứu trước về các vấn đề:

- Tác động tiêu cực của khí hậu đến nông nghiệp;

- Tác động tích cực của vốn con người và tài chính đến sản xuất;

- Vai trò mới nổi của năng lượng tái tạo.

Từ đó các tác giả rút ra khoảng trống nghiên cứu đó là: Thiếu nghiên cứu tích hợp cả bốn yếu tố trong một mô hình tổng thể tại Việt Nam, nhất là phân tích theo thời gian dài (gần 30 năm) bằng công cụ phân tích động lực phi tuyến.

Phần 3: Phương pháp nghiên cứu

Sử dụng các phương pháp phân tích tiên tiến gồm:

- Wavelet Coherence Analysis: Xác định mối quan hệ động giữa các biến theo thời gian.

- Spectral Granger Causality Test: Kiểm định quan hệ nhân quả trong miền tần số.

Dữ liệu trong nghiên cứu được thu thập trong giai đoạn 1995–2023 (nguồn từ Tổng cục Thống kê, World Bank, FAO...).

Các biến số: 

- Biến phụ thuộc: Giá trị sản xuất nông nghiệp;

- Biến độc lập: Biến đổi khí hậu (nhiệt độ, lượng mưa), vốn con người (giáo dục, lao động), tài chính (tín dụng), năng lượng tái tạo.

Phần 4: Kết quả nghiên cứu 

Từ dữ liệu thu thập được Nhóm tác giả đã chỉ ra kết quả chính sau:

- Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực và lâu dài đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là tăng nhiệt độ và thời tiết cực đoan.

- Vốn con người (trình độ, lao động có kỹ năng) tác động tích cực rõ rệt trong ngắn và trung hạn.

- Phát triển tài chính và năng lượng tái tạo cũng cho thấy hiệu ứng hỗ trợ sản xuất, tạo điều kiện về vốn và giảm chi phí năng lượng.

Phần 5: Thảo luận 

Trong phần này, các tác giả đã giải thích chi tiết các kết quả:

- Tại sao khí hậu làm giảm năng suất, trong khi năng lượng tái tạo giúp tiết kiệm chi phí sản xuất.

- So sánh với các nghiên cứu trong khu vực và thế giới (Trung Quốc, Ấn Độ).

- Nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc kết hợp chính sách phát triển tài chính, giáo dục, và năng lượng trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phần 6: Kết luận và kiến nghị 

Nhóm tác giả đã tóm tắt các phát hiện chính: cả bốn yếu tố được nghiên cứu đều có ảnh hưởng mạnh đến sản xuất nông nghiệp. Từ đó đề xuất chính sách công hỗ trợ đầu tư vào năng lượng tái tạo, giáo dục nông thôn, và tiếp cận tín dụng cho nông dân.

Về phần kiến nghị, các tác giả gợi ý hướng nghiên cứu tương lai đó là mở rộng sang phân tích theo vùng miền (ĐBSCL, Tây Nguyên…).

Phần 7: Tài liệu tham khảo

Nghiên cứu đã trình bày rõ ràng, chuẩn mực, trích dẫn đầy đủ từ các nguồn học thuật quốc tế và trong nước.