Phát huy vai trò kết nối khoa học và thực tiễn

Trải qua gần 20 năm xây dựng và phát triển, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam đã khẳng định vai trò là cầu nối hiệu quả giữa nghiên cứu - đào tạo - sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhiệm kỳ III dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, nhưng Hội vẫn nỗ lực triển khai nhiều hoạt động chuyên môn có chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.

hoi-thao-khqt-1753086951.jpg
Các nhà khoa học và chuyên gia của PHANO tích cực tham gia nhiều Hội thảo trong và ngoài nước để tìm kiếm giải pháp và đề xuất các chính sách có liên quan cho các địa phương.

Hội đã phối hợp với các cơ quan trung ương, địa phương triển khai các chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm OCOP, bảo tồn làng nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng thương hiệu nông sản. Đồng thời, Hội đảm nhiệm vai trò Thư ký quốc gia mạng lưới nông nghiệp sinh thái Đông Nam Á (ALiSEA), tổ chức nhiều hội thảo, đào tạo, tọa đàm nhằm thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp sinh thái và phát triển bền vững.

Trong bối cảnh nông nghiệp nước ta đang đứng trước yêu cầu chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng sinh thái, tuần hoàn, ứng dụng công nghệ và thích ứng biến đổi khí hậu, vai trò của các tổ chức khoa học - xã hội như Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng. Hội không chỉ đóng góp về chuyên môn, mà còn là nơi kết nối hiệu quả giữa nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nông và doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi hệ thống sản xuất nông nghiệp một cách bền vững, minh bạch và trách nhiệm.

hoi-hkpt-x-qte-1753086997.jpg
Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam tích cực hợp tác quốc tế.

Đại hội Nhiệm kỳ IV (2025-2030) của Hội Khoa học Phát triển Nông thông Việt Nam

Đại hội lần thứ IV là dịp để Hội đánh giá toàn diện kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2019-2024; thảo luận, thông qua phương hướng nhiệm kỳ 2025-2030; kiện toàn Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra; sửa đổi điều lệ Hội và biểu quyết Nghị quyết Đại hội.

Các nội dung chính của Đại hội gồm:

  • Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ III và phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ IV;
  • Báo cáo kiểm điểm Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra nhiệm kỳ trước;
  • Thảo luận dự thảo sửa đổi Điều lệ Hội;
  • Bầu Ban Chấp hành và Ban Kiểm tra nhiệm kỳ mới;
  • Tham luận chuyên đề, biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu.

Định hướng nhiệm kỳ 2025-2030: Đồng hành cùng chuyển đổi nông nghiệp

Với chủ đề hành động “Đoàn kết - Đổi mới - Sáng tạo”, nhiệm kỳ 2025-2030, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam xác định phương hướng hoạt động là: Kiện toàn tổ chức - Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động - Nâng cao hiệu quả kinh tế-xã hội, đóng góp thiết thực vào mục tiêu chung: “Xây dựng nền nông nghiệp sinh thái - bền vững; Nông thôn hiện đại - đáng sống; Nông dân chuyên nghiệp - văn minh”.

Trên cơ sở đó, một số nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ gồm:

  1. Về tổ chức: Củng cố bộ máy từ Trung ương đến các Chi hội, tổ chức sinh hoạt thường kỳ, mở rộng hội viên trên toàn quốc, đảm bảo thông tin hai chiều giữa Chi hội và Ban Chấp hành. Xây dựng kế hoạch hoạt động định kỳ tháng, quý, năm; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên; duy trì phối hợp hiệu quả với Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.
  2. Về chuyên môn: Thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong phát triển nông nghiệp sinh thái tại các vùng miền. Đồng hành với các địa phương thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm minh bạch, có trách nhiệm và bền vững đến năm 2030. Chủ động phối hợp với Cục Kinh tế Hợp tác, Chi cục Phát triển Nông thôn, Văn phòng Nông thôn mới, Trung tâm Khuyến nông… để tổ chức các hội thảo, tập huấn, tuyên truyền chuyển giao kỹ thuật gắn với OCOP và các chương trình quốc gia.
  3. Về hợp tác quốc tế: Tham gia các hoạt động, diễn đàn hợp tác khu vực và toàn cầu về nông nghiệpnông thôn, góp phần nâng cao vị thế nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.
  4. Về truyền thông và nâng cao nhận thức: Đẩy mạnh phối hợp với báo chí Trung ương, Hà Nội và các cơ quan khoa học để phổ biến kiến thức, lan tỏa mô hình tốt, cách làm hiệu quả; tổ chức tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến hội viên và cộng đồng.
  5. Về tư vấn, giám sát, phản biện: Chủ động tham gia góp ý, phản biện các chính sách, chương trình, dự án do cơ quan Nhà nước yêu cầu; đồng thời kiến nghị, tham mưu với các sở, ngành, đơn vị chuyên môn về hoàn thiện chính sách phát triển nông nghiệp - nông thôn phù hợp với thực tiễn từng địa phương.

Để Đại hội thực sự có sức lan tỏa và tạo động lực cho giai đoạn mới, Hội xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm. Thông tin về Đại hội sẽ được phổ biến trên các kênh báo chí chính thống, tạp chí chuyên ngành, diễn đàn khoa học, mạng xã hội, và các kênh truyền thông địa phương.

Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam trân trọng kêu gọi các cơ quan báo chí, đơn vị truyền thông, tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, viện - trường, nhà khoa học và người dân đồng hành, hưởng ứng và tham gia tích cực vào các hoạt động hướng tới Đại hội.

📌 Thông tin chính thức về Đại hội được cập nhật tại: https://nongthonvaphattrien.vn