Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 1)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VI  “PHONG KIẾN VIỆT NAM CHỐNG PHÁP” của PGS TS Cao Văn Liên. 

cvl2a-1653401499.jpgViệt Nam Diễn Nghĩa (Tiểu thuyết lịch sử) Tập VI

 

Kỳ 1.

PHẦN I. THỰC DÂN PHÁP ĐÁNH CHIẾM VIỆT NAM

I

Tháng 7 năm 1857, kinh đô Pari hoa lệ trải ra mênh mông dưới nắng. Các tòa nhà cao tầng nhô lên cao thấp khác nhau những khối tháp muôn hình thù, muôn màu sắc. Nhà thấp rồi nhà cao hơn và lại nhà cao hơn nữa vươn lên chạm vào những làn mây mỏng như tơ mong manh di tản trên bầu trời xanh, tạo ra muôn hình thù kỳ quái. Những đường phố cắt nhau ô bàn cờ phủ đầy bóng cây xanh với những tán lá to nhỏ như những chiếc ô thiên nhiên che nắng. Phố xá hai bên bờ soi mình xuống hai bờ sông Seine lung linh dưới nắng. Nhà thờ Đức Bà vươn tháp lên trời xanh cao nhất của mọi chiều cao. Tháp nhà thờ Xanh tơ Sa pen lơ chỉ thấp hơn chút so với tháp nhà thờ Đức Bà nhưng đỉnh tháp là khối tam giác sừng sững chạm mây. Cung điện tráng lệ của hoàng gia toát ra sự khoe khoang giàu có quyền lực nhất của Pari và của đế quốc Pháp. Trên đường phố những chiếc xe bốn bánh, hai bánh phủ gấm lụa do những con tuấn mã khỏe mạnh phi nhong nhong  trên những đường phố.

Sớm nay, trong cung điện Tuy lơ ri ơ sang trọng, vua Na pô lê ông III đang thiết triều bàn những công việc hệ trọng của quốc gia, tức là nhiệm vụ xây dựng lại đế quốc Pháp mới, gắn với việc mở rộng xâm lược thuộc địa ở châu Á, châu Phi, khẳng định vai trò của cường quốc pháp trên trường quốc tế, mở rộng thị trường thuộc địa để tăng lợi nhuận cho chủ nghĩa tư bản Pháp, để đủ sức cạnh tranh với các nước thực dân khác ở châu Âu, châu Mỹ, đặc biệt là cạnh tranh kịch liệt với nước Anh.

Hoàng thành Pari xây dựng kiểu gô tích, kiểu kiến trúc của người La Mã, lại như một pháo đài phòng thủ có thể đánh bật bất cứ cuộc tấn công nào của kẻ thù, lại là những lâu đài sang trọng thường thấy của các lãnh chúa phong kiến châu Âu. Cung điện Tuy lơ ri ơ là một cung điện rộng lớn mái vòm, trên trần có gắn hàng trăm chiếc khung đèn lớn bằng bạc, chung quanh là một vòng tròn có bát bằng pha lê cắm hàng chục ngọn nến vây quanh như những bó hoa rực rỡ tỏa ánh sáng, làm cho cung điện như một thiên hà đầy sao. Nền cung điện bên trong cao, những cột đá lộng lẫy, nền rải thảm đỏ. Ngai vàng là một chiếc ghế bành sang trọng. Phía dưới cung điện là không gian rộng dài hun hút đặt hai hàng bàn, sau bàn là những chiếc ghế bọc nhung xanh, chỗ ngồi của các đại thần của chính phủ Pháp. Toàn bộ nền cung điện cũng rực rỡ màu đỏ của thảm nhung. Dưới ánh đèn lung linh trong cung điện lộng lẫy đó, triều đình của nền đế chế II của Na pô lê ông đệ tam đang nghị sự. Na pô lê ông III ngồi trên ngai vàng và  nói:

-Thưa các quý ngài, các ngài có biết lịch sử châu Âu và lịch sử nước Pháp không? Các ngài có biết nước Pháp đang ở đâu trong trào lưu phát triển và đang cần gì để phát triển không? Các ngài hãy giở lại những trang lịch sử châu Âu thì thấy đế quốc La Mã của người La tinh tồn tại từ thế kỷ VIII Trước công nguyên đến thế kỷ IV sau công nguyên, lãnh thổ bao trùm toàn bộ châu Âu, Bắc Phi và Trung Đông. Thế kỷ IV sau công nguyên, đế quốc Tây La Mã với kinh đô là Rôma sụp đổ, vương quốc Phơ răng cổ đại của dân tộc ta đã ra đời trên đất đai hoang tàn của Tây La Mã mà người sáng lập là hoàng đế Cơ lô vít. Chế độ phong kiến Pháp trải qua các triều đại Cơ lô vít, Sác lơ ma nhơ, Ca rô lanh giêng, Ca pê xiêng. Trong lòng xã hội phong kiến Pháp đã xuất hiện nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, kèm theo đó là giai cấp tư sản ra đời đã lãnh đạo nhân dân làm cuộc cách mạng tư sản vĩ đại năm 1789-1794 lật đổ chế độ phong kiến của triều đại Buốc Bông mà trị vị là Lui XVI, đập tan cuộc can thiệp của phong kiến châu Âu đứng đầu là Áo, Phổ, Nga, Anh  để bảo vệ thành quả cách mạng. Trong các sự kiện đó nổi bật lên vai trò của bác ta là hoàng đế Na pô lê ông đệ nhất. Ngài không chỉ đập tan các cuộc can thiệp của Liên minh phong kiến châu Âu vào Pháp mà còn chinh phục hầu hết châu Âu, trừ nước Anh và nước Nga. Năm 1804, ngài lên ngôi hoàng đế lập ra nền đế chế I, đế chế của giai cấp tư sản. Năm 1815 đế chế I sụp đổ, dòng họ Buốc bông lại quay về lập lại chế độ phong kiến chuyên chế. Năm 1830, nhân dân ta đã làm cuộc cách mạng tư sản tiếp theo lật đổ dòng họ Buốc bông lần 2, đưa Lui Phi líp, vua ngân hàng lên lập nền quân chủ tháng 7. năm 1848 nhân dân ta lại làm cuộc cách mạng lật đổ Lui phi líp và đưa ta lên làm Tổng thống lập nền Cộng hòa đệ nhị. Năm 1851, ta đã chuyển từ nền Cộng hòa sang nền đế chế II mà ta là hoàng đế. Đây là nền quân chủ của giai cấp tư sản Pháp, đã đưa nước Pháp thành nước công nghiệp hiện đại sau khi hoàn thành cách mạng công nghiệp đầu thế kỷ XIX. Nền kinh tế hàng hóa phát triển rất cần thị trường không chỉ trong nước mà còn vươn ra chiếm thuộc địa thế giới để có thị trường ngoài nước, cung cấp nguyên liệu, sức lao động rẻ mạt của các nước thuộc địa. Nếu chúng ta không nhanh chân, các cường quốc châu Âu khác như Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và nhiều nước khác sẽ chiếm hết những nước giàu có mà lạc hậu, chìm trong chế độ phong kiến ở châu Á, châu Phi. Các ngài đã thấy hiện nay Anh đã chiếm hết Ấn Độ, một nước vô cùng rộng lớn, giàu có ở châu Á. Nước Anh đã chiếm các nước châu Á khác, châu Đại Dương, chiếm nhiều nước ở châu Phi và đang cùng 14 nước tư bản xâu xé Trung Quốc, nước lớn nhất thế giới và giàu có. Chúng ta đang chạy đua với Anh và cũng đã xâm lược được An giê ri và một số nước ở châu Phi, đã gây chiến và xâm lược Mê hi cô, một nước ở Trung Mỹ. Chúng ta đã cùng Anh can thiệp vào Trung Quốc, xây dựng được nhiều tô giới và khu vực ảnh hưởng trong sự suy yếu bạc nhược của triều đình phong kiến Mãn Thanh. Chúng ta đang chuẩn bị xâm lược Lào, Căm bốt và Đại Nam. Nhưng ta không rõ lắm về Đại Nam. Giáo sĩ Pen lơ ranh là người truyền đạo và do thám nhiều năm ở Đông Dương, chuẩn bị cho sự xâm lược. Xin ngài hãy cho triều đình nghe qua về Đại Nam để ta có kế hoạch xâm lược cụ thể nhanh chóng và xác thực.

 Từ hàng ghế bên phải, một người cao lớn mắt xanh, rất ranh ma xảo quyệt, tóc màu vàng phủ kín vai, mặc áo tu sĩ đứng lên. Đó là giáo sĩ Pen lơ ranh, nói giọng Pa ri mềm mại rõ ràng thong thả:

-Dạ bẩm hoàng thượng, Đại Nam, còn gọi là Việt Nam có lịch sử ít nhất hơn 3000 năm nay. Họ có thời kỳ cổ đại huy hoàng là thời đại Hùng Vương, còn gọi là Văn Lang. Nhưng năm 179 Trước công Nguyên, dưới thời Âu Lạc-An Dương Vương, nhà vua trúng gian kế của Triệu Đà và mất nước. Từ đó cho đến năm 938 họ bị phong kiến Trung Quốc qua các triều đại Hán, Đông Ngô, Tấn, Tùy, Lương, Đường thống trị, áp bức, đồng hóa và bóc lột vô cùng tàn khốc hơn 1000 năm. Vào thế kỷ thứ X, nhân cơ hội phong kiến Trung Quốc suy yếu, các họ tộc Việt Khúc-Dương-Ngô đã nổi dậy giành lại tự chủ và độc lập. Năm 938, với chiến thắng trong trận thủy chiến Bạch Đăng, Ngô Quyền đã đánh bại quân Nam Hán và giành lại độc lập dân tộc, xây dựng chế độ phong kiến Việt Nam qua các triều đại hùng mạnh như Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Mạc, các chúa Trịnh và chúa Nguyễn, Tây Sơn. Năm 1802 Nguyễn Phúc Ánh trong cuộc nội chiến đã lật đổ nhà Tây Sơn, thiết lập vương triều Nguyễn, quốc hiệu Việt Nam, còn gọi là Đại Nam. Đó là triều đại đang thống trị Việt Nam hiện nay.

 Na pô lê ông III hỏi:

-Việt Nam là nước nhỏ hơn Trung Quốc nhiều lần, vậy Trung Quốc từ năm 938 đến nay bỏ mặc không nhìn ngó, công nhận nền độc lập của Việt Nam sao?

-Dạ bẩm hoàng thượng, Trung Quốc đã nhiều lần đem mỗi lần vài chục vạn quân sang đánh chiếm lại nhưng đều bị các triều đại Việt Nam đánh cho tơi tả. Như nhà Tiền Lê của vua Lê Đại Hành, tức Lê Hoàn đã đánh bại 10 vạn quân nhà Tống năm 980, nhà Lý do Lý Thường Kiệt lãnh đạo đã đánh bại 20 vạn quân Tống sang xâm lược lần 2 vào năm 1076-1077, nhà Trần do vua Trần Thái Tông và Trần Hưng Đạo lãnh đạo đã ba lần đánh bại cuộc xâm lăng của đế quốc Nguyên- Mông, một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới khi đó. Cuộc xâm lược hai lần sau, vào năm 1285, 1287-1288 nhà Nguyên huy động mỗi lần 50 vạn quân với các tướng lĩnh lừng danh thế giới mà vẫn bị đánh tơi tả chạy về. Nhà Hậu Lê do Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh đạo, chỉ 10 năm đã lật đổ ách thống trị của nhà Minh ở Đại Việt được thiết lập sau cuộc xâm lăng thành công do đánh bại nhà Hồ năm 1407. Đặc biệt năm 1789, nhà Mãn Thanh đưa 29 vạn quân sang xâm lược. Chỉ 5 ngày từ ngày 30 tết 1788 đến ngày 5 tết âm lịch 1789, hoàng đế Quang Trung nhà Tây Sơn trong chiến dịch Ngọc Hồi- Thăng Long đã tiêu diệt hết, chỉ còn vài nghìn tên sống sót chạy về.

Na pô lê ông III kinh hãi:

-Một đất nước giỏi giang quân sự như vậy nay ta mới nghe lần đầu, vậy thì ta làm sao mà chinh phục được xứ sở anh hùng đó?

Pen lơ ranh đáp:

-Dạ bẩm hoàng thượng, điều đó không đáng lo ngại. Khoảng 300 năm nay chế độ phong kiến Đại Nam đã suy tàn, lâm vào tình trạng tranh giành quyền lực triền miên. Nội chiến Trịnh-Mạc 100 năm vừa chấm dứt thì Việt Nam đã bước ngay vào cuộc nội chiến Trịnh-Nguyễn kéo dài 200 năm. Cuối cùng, Quang Trung Nguyễn Huệ nhà Tây Sơn đã lật đổ chúa Nguyễn ở Đàng Trong năm 1784, đánh bại cuộc xâm lăng của Xiêm La vào Đàng Trong năm 1785, lật đổ chúa Trịnh Đàng Ngoài năm 1786 và đánh bại sự xâm lược của nhà Mãn Thanh năm 1789. Nhưng thiên tài quân sự Quang Trung đột ngột từ trần vào năm 1792 khi mới 40 tuổi, tạo điều kiện cho Nguyễn Phúc Ánh, cháu chắt nhà chúa Nguyễn lật đổ nhà Tây Sơn năm 1802 và thiết lập sự thống trị của Vương triều Nguyễn ở Đại Nam cho đến nay. Nguyễn Phúc Ánh lấy kinh đô là Phú Xuân, đổi quốc hiệu từ Đại Việt thành Việt Nam, trên văn bản giấy tờ nhà nước gọi là Đại Nam. Từ đó đến nay, vương triều Nguyễn trải qua bốn đời vua: Nguyễn Phúc Ánh xưng là Gia Long hoàng đế (1802-1819), Minh Mạng hoàng đế 1819-1840, Thiệu Trị hoàng đế (1840-1847) và nay là Tự Đức hoàng đế từ 1847 cho đến nay.

( Còn nữa)
CVL