Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 2)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VI  “PHONG KIẾN VIỆT NAM CHỐNG PHÁP” của PGS TS Cao Văn Liên. 

Kỳ 2

Một đại thần ngồi hàng ghế đầu đứng dậy hỏi:

-Ngài Pen lơ ranh nói cuộc xâm lược của ta vào Đại Nam sẽ không đáng lo ngại. Vì sao như vậy, thưa ngài?

Pen lơ ranh nhìn đại thần vừa hỏi, thì ra đó là Thủ tướng Pháp Em min le  Sac lơ Cô sanh. Pen lơ ranh hỏi lại:

-Thưa ngài Thủ tướng, ngài định hỏi về sự suy yếu của Đại Nam về kinh tế, chính trị, quân sự phải không?

-Đúng vậy.

  Pen lơ ranh đáp:

  -Thưa hoàng thượng, thưa ngài thủ tướng, thưa các ngài bộ trưởng và các ngài trong chính phủ. Khi lật đổ nhà Tây Sơn năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh đã thiết lập một chế độ quân chủ chuyên chế rất cực đoan. Vua là người đứng đầu cả nước nắm toàn bộ quyền lực. Để thực hiện điều này, nhà Nguyễn đã đưa ra lệ “Tứ bất” (bốn không): Không phong tể tướng, không phong vương cho hoàng thân quốc thích, hậu cung không lập hoàng hậu, thi Nho học không lấy học vị trạng nguyên. Các cơ quan trung ương trực thuộc hoàng đế gồm văn phòng và nội các làm nhiệm vụ văn phòng, Viện cơ mật gồm 4 viên đại thần được quyền bàn việc quân quốc trọng sự với nhà vua. Cơ quan hành pháp gồm 6 bộ: Bộ binh, Bộ hộ, Bộ hình, Bộ lễ, Bộ công, Bộ lại, mỗi bộ đứng đầu là một viên thượng thư. Bộ binh quản lý quân sự, hoạch định chính sách quốc phòng, kế hoạch tác chiến khi có chiến tranh, tuyển quân, huấn luyện quân đội, bổ sung, trông coi quân trang khí giới, trấn giữ biên cương, hộ giá nhà vua, tuyển dụng võ quan, ứng phó với tình hình khẩn cấp. Bộ hộ quản lý dân số, giúp vua quản lý ruộng đất, hộ khẩu, tài chính, thuế khóa, kho tàng, ngân sách nhà nước, cấp phát lương bổng cho quan lại. Bộ hình quản lý tư pháp, tâu vua sửa đổi những quy phạm không hợp, xét xử trọng án, phúc thẩm các vụ án lớn, kiểm tra việc xét xử của nha môn cả nước, kiểm tra quản lý tù nhân, truy nã tù nhân và tội phạm bỏ trốn. Bộ lễ quản lý giáo dục, thi cử, ngoại giao, nghi lễ, tế tự trong triều và lễ tân, đúc ấn tín, đôn đốc công việc của Tư thiên giám, Thái y viện. Bộ công quản lý xây dựng cung điện, nhà cửa, đường sá, thành trì, cầu cống, quản lý các công xưởng thuộc nhà nước. Bộ lại quản lý, bổ nhiệm thăng giáng quan lại, gia phong tước phẩm, quy định thuyên chuyển, lương bổng của quan lại. Các cơ quan tư pháp là Đại lý tự và Đô sát viện là cơ quan giám sát.

        Thời vua Minh Mệnh đã tiến hành một bước quan trọng về cải cách hành chính. Lần đầu tiên đơn vị hành chính của Đại Nam ở địa phương được chia thành cấp tỉnh. Miền Nam được chia thành 18 tỉnh, miền Bắc được chia thành 20 tỉnh. Trong phạm vi kinh đô ở miền Trung được gọi là phủ Thừa Thiên-Huế. Đứng đầu mỗi tỉnh là Tổng đốc phụ trách việc cai trị chung, Tuần phủ coi việc giáo hóa dân chúng, Bố chính coi về thuế khóa, tài chính. Dưới tỉnh là phủ gồm nhiều huyện đứng đầu là Tri phủ nắm toàn quyền hành chính tư pháp trong phủ. Dưới phủ là huyện gồm nhiều tổng, đứng đầu là tri huyện cũng có toàn quyền dân sự, tư pháp. Dưới huyện là tổng gồm nhiều xã, đứng đầu là chánh phó tổng. Dưới tổng là xã gồm nhiều thôn đứng đầu là chánh phó lý trưởng, giúp việc có trương tuần, khán thủ giữ trị an làng xã. Dưới xã là thôn, bản; thôn ở miền xuôi đứng đầu là hương kiểm, bản ở miền núi đứng đầu trưởng bản.

        Với bộ máy nhà nước quan lại chặt chẽ đó, vương triều Nguyễn đã ra sức bóc lột nhân dân Đại Nam tàn bạo, không thương xót. Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách quốc gia, của mọi chi tiêu của nhà nước. Chi tiêu của triều đình, của hoàng gia, lương bổng của quan lại, của võ quan và quân đội, của lễ nghi đều dựa vào thuế. Nhà Nguyễn đặt ra ba loại thuế chính: thứ nhất là thuế điền thổ, thuế đánh vào ruộng đất. Thứ hai là thuế đinh, thuế đánh vào đàn ông. Thứ ba là thuế đánh vào hoạt động công thương: thuế hầm mỏ, thuế cảng, thuế ao, hồ, đầm, ngành thủ công nghiệp sản xuất phải nộp thuế sản vật, thuế rượu, thuế thuốc phiện, thuế thuyền bè…Nông dân cả nước chịu nhiều thứ thuế phi lý và thuế rất nặng. Để hạn chế người theo đạo Gia Tô, nhà Nguyễn đánh thuế người theo đạo này nặng gấp rưỡi. Xã, thôn che giấu, chứa chấp người theo đạo thì thuế của xã, thôn đó tăng gấp đôi. Còn có thuế quan tân đánh vào giao dịch thương mại qua các cửa ải, các bến đò. Ngoài ra còn có thuế tạp dịch, bắt người lao động đi xây dựng không công các công trình nhà nước như lăng tẩm các vua, thành lũy quân sự.

       Chính sách bóc lột của nhà nước làm cho cư dân chủ yếu của Đại Nam là nông dân vô cùng đói khổ, bần cùng. Nông dân nghèo không có ruộng đất vì bị địa chủ chiếm đoạt bằng mọi cách. Ruộng đất hầu hết trong tay bọn cường hào ác bá, triều đình biết mà bất lực. Nhà nước không chăm lo công trình thủy lợi, đê các sông vỡ liên miên, đặc biệt là đê sông Hồng. Trong 50 năm từ 1802 đến 1857 đê sông Hồng vỡ 38 lần, gây lũ lụt lớn, mất mùa đói kém rộng ở miền Bắc. Năm 1806, Bắc bộ dân phiêu tán tha phương cầu thực 370 xã, năm 1826 ruộng đất bỏ hoang 12.700 mẫu, năm 1830 diện tích bỏ hoang lên1.314.927 mẫu. Thiếu đói hoành hành ở các tỉnh miền Trung. Triều đình bất lực không giải quyết được nạn đói. Trong khi đó bọn địa chủ ác bá càng giáu có. Nông dân đói khát, bị áp bức bóc lột tìm con đường làm đạo tặc, chủ yếu là khởi binh chống lại triều đình.

        Triều đình Nguyễn thi hành chính sách “Bế quan tỏa cảng”, nghiêm cấm giao thương buôn bán với nước ngoài, cấm giao thương với thương nhân phương Tây, nghiêm cấm nước ngoài đến buôn bán ở Việt Nam. Trong chỉ dụ của Minh Mệnh có ghi: Khi có tàu hàng hóa phương Tây đến “Mua hàng xong thì đuổi hết ra biển, không cho ở lại, nếu cố ở lại thì phạm tội xử chém. Nếu ai giấu diếm chứa chấp coi như thủ phạm”. Chính vì thế, thủ công nghiệp không phát triển. Các đô thị sầm uất như Hội An, Phố Hiến… đều tàn lụi, buôn bán ở Thăng Long sút kém.

       Triều đình Nguyễn ban hành hàng loạt sắc lệnh cấm đạo Thiên Chúa để đề phòng âm mưu do thám xâm lược của Pháp, để bảo vệ tư tưởng Nho gia của phong kiến. Quả thật, một thực tế là khi hướng sang phương Đông thì công cuộc truyền giáo của Hội thừa sai Pari đã gắn với việc do thám tình hình các quốc gia đó, đào tạo tay sai, chuẩn bị cho công cuộc chinh phục sau này. Bất chấp lệnh cấm, các giáo sĩ Thừa sai của Pháp vẫn lén lút truyền đạo. Cho nên nhà Nguyễn càng cấm đạo quyết liệt. Năm 1843, Minh Mệnh đã ra thông dụ gửi tất cả các quan địa phương ở địa phận biển, nếu có thuyền nước ngoài đến bỏ neo phải đến tận nơi xét hỏi, nếu có người phương Tây phải bắt giải quan. Các cố đạo đã nhờ quân đội và chính quyền Pháp giúp đỡ. Các hạm đội Pháp ở Viễn Đông được lệnh của chính quyền, tìm mọi cách bảo vệ và giúp đỡ các cố đạo. Như vụ tháng 2 năm 1843, khi nhà Nguyễn bắt các giáo sĩ, tàu Hơ roa nơ đã đến Đà Nẳng buộc nhà Nguyễn phải trả tự do cho các cố đạo Sa me son, Sác ri ê, Mi sơ, Béc nô, Đuy cơ lô xơ, Pha vin Lơ vơ cơ. Bị pháp đe dọa, nhà Nguyễn đã trả tự do cho các cố đạo. Giáo sĩ Lơ Phơ bờ rơ hai lần bị bắt. Cả hai lần đều nhờ hải quân pháp can thiệp để được nhà Nguyễn thả. Năm 1847 tưởng Lơ phơ bờ rơ  chưa được thả, hạm đội Pháp đến Đà Nẳng bắn phá, phá tan 5 tàu của nhà Nguyễn. Từ đó vua Thiệu Trị càng cấm đạo gay gắt.

       Na pô lê ông III hỏi:

      -Sức mạnh quốc phòng của Đại Nam thế nào?

     Pen lơ ranh đáp:

     -Bẩm hoàng thượng, do chính sách bế quan tỏa cảng cho nên kinh tế Việt Nam suy yếu lạc hậu, kéo theo là quốc phòng suy yếu và lạc hậu. Bộ binh là quân chủng chủ yếu của nhà Nguyễn nhưng phần lớn vũ khí là gươm, giáo như ngày xưa. mỗi một đội 50 lính mà chỉ 5 người cầm súng châm ngòi, số ít có súng hỏa mai và súng kíp. Quân đội mỗi năm chỉ được tập bắn một lần. Đại bác của quân đội Nguyễn thì nhiều nhưng phần lớn là súng đồng. Nòng không có rãnh khương tuyến nên bắn rất ít khi trúng mục tiêu. Đạn đại bác không có thuốc nổ nên bắn ra như những hòn đá, đạn không nổ. Quân đội không có ý thức giữ gìn thuốc súng nên gặp mưa là bắn không có hiệu quả. Khi đó, nhà Nguyễn có thể mua súng đạn của các nước phương Tây, hoặc thuê kỹ sư các nước ngoài, ngặt vì tài chính thiếu thốn, nhưng nổi bật là không có ý thức xây dựng quân đội hùng mạnh, không có ý thức duy tân. Tư duy bảo thủ của vua quan Nguyễn vô cùng nặng nề đã giam hãm đất nước trong vong suy yếu, lạc hậu và quốc phòng suy yếu, cùng ý thức ngạo mạn cho học thuyết Nho gia là nhất thế giới, có thể giải quyết được mọi vấn đề của đất nước. Họ đã và đang bay trên mây trên gió với học thuyết lỗi thời phi thực tế đó. Hơn nữa, họ lo canh tân đất nước sẽ đe dọa địa vị cầm quyền của họ. Đó là lý do làm cho các vua nhà Nguyễn khước từ mọi đề nghị canh tân đất nước do các sĩ phu thức thời đề xuất, kiên quyết giữ con đường thủ cựu, ra sức bảo vệ nếp cũ.

         Quân đội Nguyễn không chỉ trang bị kém mà còn thiếu ăn, thiếu mặc đến mức nhiều khi quân lính phải đi cướp của dân mà sống. Thưởng phạt không công minh. Họ đi lính nhưng gia đình họ ở quê hương bị cướp ruộng đất, bị áp bức bóc lột đói rách. Cho nên tinh thần quân đội Nguyễn vô cùng bạc nhược.

        Tóm lại, tư tưởng chính thống của nhà Nguyễn là Nho giáo đã lạc hậu lỗi thời, bộ máy quan lại của nhà Nguyễn cồng kềnh, tha hóa hủ bại, tham ô, ra sức bóc lột nông dân cùng kiệt. Nhà Nguyễn đã giam hãm Đại Nam trong vòng lạc hậu, suy yếu về quân sự, quốc phòng. Đây là thời cơ cho chúng ta chinh phục không mấy khó khăn. Mong hoàng thượng không nên chậm trễ.

        Na pô lê ông III hỏi:

      -Ngài Pen lơ ranh chỉ toàn nêu những thuận lợi khi ta đánh Đại Nam. Vậy ngài thử nêu vài khó khăn khi chiến tranh với Đại Nam?

      -Bẩm hoàng thượng, khó khăn lớn nhất là tinh thần quật cường chống ngoại xâm của dân Đại Nam. Dù là mâu thuẫn gay gắt với triều đình do bị áp bức bóc lột tàn khốc nặng nề, nhưng khi bị ngoại bang xâm lược, họ sẵn sàng gác mối thù giai cấp, sẵn sàng cùng triều đình chống giặc. Khó khăn lớn nhất là nếu triều đình nhà Nguyễn kêu gọi nhân dân chống lại chúng ta thì chúng ta rất khó mà đương đầu với cả một dân tộc 25 triệu người. Nhưng xin hoàng thượng yên tâm, nhà Nguyễn rất sợ nông dân bởi từ thời Gia Long đến thời Tự Đức đã có hàng trăm cuộc khởi nghĩa nông dân làm cho triều đình tổn thất và tốn kém nặng nề. Với tư tưởng bạc nhược hèn nhát sợ dân bên trong hơn sợ giặc ngoài, nhà Nguyễn sẽ đi vào con đường hòa nghị để dàn xếp với chúng ta. Sách lược của chúng ta là sau mỗi trận đòn chí tử dáng vào thì ta lại nghị hòa để đạt được và củng cố thành quả, cứ thế tiến đến chinh phục toàn bộ Đại Nam, buộc nhà Nguyễn ký hàng ước, làm tay sai, thừa nhận quyền bảo hộ của chúng ta trên toàn cõi Đại Nam.

(Còn nữa)

CVL