Dự án Hợp tác Nam – Nam nhằm nhân rộng các sáng kiến chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí hậu do IFAD tài trợ ở bốn quốc gia được chọn: Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Campuchia. Đây là Dự án được kỳ vọng mang lại kết quả mong đợi chung là: Củng cố được năng lực cạnh tranh của các chuỗi giá trị nông sản, thông qua thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa HTX/THT với doanh nghiệp, tạo điều kiện tham gia cho các hộ nông dân; Nâng cao được nhận thức và năng lực sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu cho các hộ nông dân, THT, HTX, doanh nghiệp thông qua phổ biến các thực hành sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu; Nâng cao được năng lực sơ chế, chế biến, xử lý phụ phẩm nông nghiệp của các THT, HTX và doanh nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua phổ biến các công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu; Nâng cao được năng lực tiếp cận thị trường, thông qua xây dựng mã vùng trồng, tiêu chuẩn, hệ thống truy xuất nguồn gốc, mẫu mã bao bì cho các HTX và doanh nghiệp; Tổng kết được các kinh nghiệm tốt về chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm phổ biến rộng rãi trong và ngoài nước, góp phần thực hiện các chính sách hợp tác và liên kết...
Hội nghị khởi động Dư án được tổ chức năm 2019 tại Việt Nam
Dự án nghiên cứu được thực hiện tại 4 nước Trung Quốc, Lào, Campuchia và Việt nam, với mục tiêu: Tạo điều kiện xác định và phát triển các sáng kiến chuỗi giá trị thích ứng biến đổi khí hậu giữa các nhóm nông dân, cơ sở chế biến và doanh nghiệp trong bối cảnh các dự án do IFAD tài trợ ở bốn quốc gia được chọn; Tăng cường năng lực và nâng cao kiến thức về chuỗi giá trị thông minh thích ứng thành công với biến đổi khí hậu, những thực hành tốt nhất để ứng dụng, nhân rộng và phát triển trong tương lai cho tất cả các bên liên quan. Thời gian thực hiện dự án 24 tháng bắt đầu từ tháng 11 năm 2019.
Dự án Hợp tác Nam - Nam do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chủ trì thực hiện cùng các đối tác gồm: Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Nông Lâm nghiệp Quốc gia Lào và Trung tâm Nghiên cứu chính sách Campuchia. Mục tiêu nhằm tạo ra diễn đàn học tập cho các quốc gia dựa trên cách tiếp cận nhất quán với chuỗi giá trị thích ứng với BĐKH với sự tham gia của các nhóm nông dân quy mô nhỏ, cơ sở chế biến và doanh nghiệp. Cụ thể, dự án sẽ xác định và lựa chọn các thực hành tốt nhất của chuỗi giá trị thích ứng với BĐKH, nâng cao nhận thức và năng lực cho các bên liên quan, đồng thời, tập hợp thành các sản phẩm tri thức như sách, tờ rơi, áp-phích, video...
Sau Hội nghị khởi động dự án Hợp tác Nam – Nam nhằm nhân rộng các sáng kiến chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí hậu được tổ chức tại Hà Nội năm 2019 với 70 đại biểu tham gia tới từ Lào, Trung Quốc, Campuchia và Việt Nam và năm 2020 là năm thứ 2 thực hiện Dư án nêu trên, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều hoạt động chưa thể triển khai ở các quốc gia. Dù vậy, phía Việt Nam đã khảo sát, đánh giá và lựa chọn ra 36 thực hành tốt tại 5 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Bến Tre và Trà Vinh. Tại 3 quốc gia còn lại, đã tiến hành đào tạo về phương pháp xác định và lưa chọn chuỗi giá trị thích ứng với BĐKH.
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện Dự án diễn ra ngày 22/12/2020 tại Hà Nội
Việt Nam đã tổ chức khóa đào tạo 3 ngày tại Hà Giang về tiêu chí lựa chọn chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí hậu, 50 học viên tham gia tới từ Lào, Trung Quốc, Campuchia và cán bộ dự án IFAD của Cao Bằng, Bắc Kạn, Trà Vinh, Bến Tre, Quảng Bình,..Qua đó, chương trình đã đạt được một số kết quả cụ thể như sau: Tại Việt Nam: Họp với 5 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Bến Tre và Trà Vinh để bước đầu xác định những thực hành tốt thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tỉnh; Khảo sát, đánh giá và lựa chọn các thực hành tốt thích ứng với biến đổi khí hậu tại 5 tỉnh; Đã xác định, lựa chọn 36 thực hành tốt thích ứng với biến đổi khí hậu
Tại Trung Quốc: Đào tạo TOT về phương pháp xác định và lựa chọn chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí hậu cho đối tác Trung Quốc; Đã ký thỏa thuận tài trợ với đối tác Trung Quốc trong việc tham gia thực hiện dự án.
Tại Cambuchia: Đào tạo TOT về phương pháp xác định và lựa chọn chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí hậu cho đối tác Cambodia; Đã ký thỏa thuận tài trợ với đối tác Cambodia trong việc tham gia thực hiện dự án.
Còn tại Lào: Đào tạo TOT về phương pháp xác định và lựa chọn chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí hậu cho đối tác Laos; Đã ký thỏa thuận tài trợ với đối tác Laos trong việc tham gia thực hiện dự án và đang đợi đối tác Laos gửi sang.
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến Hợp tác Nam – Nam nhằm nhân rộng các sáng kiến chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra vào sáng ngày 22/12, các đại biểu thông nhất đánh giá, trong các thực hành được lựa chọn theo tiêu chí: Mô hình hoặc tác nhân tham gia có áp dụng các thực hành sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, phân phối nông lâm thủy sản thích ứng với BĐKH và bền vững về môi trường. Dự án ưu tiên lựa chọn CGT có ít nhất 2 tác nhân liên kết thông qua hình thức hợp đồng; thu hút sự tham gia của nhiều nông hộ, nhất là hộ nghèo, cận nghèo và hộ có phụ nữ làm chủ hộ; các tác nhân trong chuỗi giá trị có áp dụng các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, ISO, HACCP…
Trong số 36 sáng kiến của Việt Nam, có 12 thực hành sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH; 13 thực hành/công nghệ chế biến, bảo quản thích ứng BĐKH; 12 doanh nghiệp nông nghiêp thích ứng với BĐKH.
Với bối cảnh BĐKH tác động đến Việt Nam, những thực hành thích ứng BĐKH tập trung chủ yếu vào chuyển đổi diện tích trồng vụ Xuân kém hiệu quả sang trồng cây chịu hạn, chịu mặn. Sử dụng hệ thống tưới tự động giúp tiết kiệm nước và công lao động. Xen cạnh lúa cá hoặc lúa tôm để tăng hiệu quả sử dụng đất. Nuôi vịt biển thích hợp với vùng nước mặn, lợ. Sử dụng thức ăn ủ men trong chăn nuôi đem lại nhiều lợi ích trong chế biến, bảo quản thức ăn và môi trường.
PGS. TS Đào Thế Anh, PGĐ Viện Nghiên cứu Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội thảo trực tuyến
Các thực hành/công nghệ chế biến, bảo quản giúp nâng cao giá trị và thời gian bảo quản của sản phẩm. Trong đó, việc sử dụng nhà màng, nhà kính để phơi sấy nông sản được nhiều đơn vị áp dụng nhất. Bên cạnh đó, nhiều mô hình áp dụng Sản xuất hữu cơ giúp quản lý dinh dưỡng trong đất tốt hơn, nâng cao chất lượng sản phẩm và thu hút sự tham gia của doanh nghiệp. Ngoài ra, các cây trồng, vật nuôi thích nghi cao với điều kiện khí hậu và tạo ra sản phẩm đặc thù với điều kiện phát triển thành hàng hóa quy mô lớn…
Tại Hội thảo các đại biểu cũng đã giành thời gian thảo luận và đề ra một số giải pháp thực hiện có hiệu quả những mục tiêu trong Dư án. Theo đó, trong năm tới, Việt Nam dự kiến sẽ tổng hợp và tài liệu hóa các thực hành tốt thành sản phẩm tri thức để phổ biến rộng rãi tới các địa phương và trao đổi với các nước khác. Bên cạnh đó, đề xuất chính sách nhằm thúc đẩy nhân rộng các sáng kiến chuỗi giá trị thích ứng BĐKH của ngành nông nghiệp. Tương tự, phía Trung Quốc dự kiến xác định 6 thực hành tốt, trong khi Lào và Campuchia đều dự kiến sẽ có ít nhất 9 thực hành tốt.
Cụ thể, tại Việt Nam sẽ phấn đấu triển khai từ 35-40 thực hành tốt. Tổng hợp và tài liệu hóa những thực hành tốt thích ứng với biến đổi khi hậu thành sản phẩm tri thức như sách, tờ rơi, áp phích, video để phổ biến rộng rãi; Phổ biến và nhân rộng những sản phẩm tri thức giữa các nước và trên thế giới; Tổ chức các sự kiện trao đổi kiến thức như hội thảo, thăm quan; Đề xuất chính sách thúc đẩy nhằm nhân rộng các sáng kiến chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp. Tương tự ở Trung Quốc, Lào và Campuchia các quốc gia sẽ lựa chon những ưu tiên của mình để đề xuất những thực hành và mô hình phù hợp trong tiến trình thực hiện dự án.